https://youtu.be/UjXCwTa8jV0

Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã lùi xa hơn 40 năm. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại ấy có biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã hy sinh để bảo vệ đất nước Việt Nam thân yêu, khi mà tuổi đời còn rất trẻ. Khi chiến tranh đến, những người lính, để lại tuổi 20 mươi phía sau, với tất cả những hoài bão, những mơ mộng, lãng mạn để phục vụ và cống hiến sức trẻ cho tổ quốc. Trong những người con ưu tú của đất nước, đã mãi mãi nằm lại nơi đất mẹ, có tác giả, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, người đã viết lại tuổi 20 cho cả một thế hệ anh hùng. Máu xương của các anh đã hoà vào non sông, đất nước, là những biểu tượng đẹp trong sáng đến nao lòng.

         Chào mừng kỷ niệm 62 năm ngày Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (20/12/1960 – 20/12/2022), và kỷ niệm 78 năm ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022) Thư viện  trân trọng giới thiệu tới thầy cô, cùng các bạn học sinh cuốn sách ”Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc do nhà thơ Đặng Vương Hưng sưu tầm và giới thiệu. Sách được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành - xuất bản năm 2005.

          Cuốn sách gồm 295 trang, sau khi xuất bản, nó đã được đông đảo độc giả khắp nơi trong nước háo hức đón nhận. Ngay trên trang bìa là gương mặt tuấn tú với nụ cười tươi sáng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Ảnh chụp lúc anh vừa đạt giải nhất, học sinh giỏi môn văn lớp 10 toàn miền Bắc. Anh sinh ngày 14/10/1952 tại làng Bưởi - Hà Nội, trong một gia đình nghèo, dù vừa đi học vừa tranh thủ làm phụ giúp gia đình nhưng suốt 10 năm học phổ thông anh đều đạt được học sinh giỏi toàn diện.

          Anh học giỏi cả Văn và Toán và là sinh viên xuất sắc của khoa Toán cơ, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh được ban tuyển sinh xếp vào diện đi đào tạo tại Liên Xô nhưng đó cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn mới. Chiến trường miền Nam ngày càng gay go, ác liệt. Anh cũng như hàng ngàn sinh viên khác, tạm xếp bút nghiên, không có sự lựa chọn nào khác khi Tổ quốc lâm nguy. Đó là ngày 6/9/1971 anh lên đường nhập ngũ.  Cuốn nhật ký được bắt đầu viết ngày 2 tháng 10 năm 1971 và dừng lại với những dòng cuối cùng viết ở Ngã ba Đồng Lộc ngày 3 tháng 6 năm 1972 khi Nguyễn Văn Thạc quyết định gửi cuốn nhật ký về cho anh trai mình để tiếp tục hành quân vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Tác phẩm là những tư liệu vô giá về cuộc sống của người lính nơi chiến trường, miêu tả những góc khuất trong tâm hồn con người, khắc họa vẻ đẹp vừa lãng mạn, tài hoa, lại vừa mạnh mẽ bất khuất. tác phẩm bao gồm  hàng trăm lá thư, cùng cuốn nhật ký dày 240 trang chép tay, của tác giả Nguyễn Văn Thạc mang tên “Chuyện đời”, về sau khi xuất bản được đổi thành tên “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Cuốn sách chủ yếu là những câu chuyện xung quanh hành trình hành quân của đơn vị, và những ký ức về Hà Nội đẹp cổ kính. Cuốn nhật ký này không chỉ được viết bởi sự kiện, mà còn đan xen vào đó những ý nghĩ, suy nghĩ và đánh giá nhìn nhận bằng con mắt của người lính. Đọc “Mãi mãi tuổi hai mươi”, bạn sẽ thấy được một tình yêu đầy thơ mộng, trong sáng và mãnh liệt dù muôn trùng cách xa. Ở người con trai tên Thạc đó đã dành một tình yêu đầy mãnh liệt, trong sáng cho người con gái tên Như Anh. “Cứ mỗi lần hành quân qua đây, lòng tôi lại nhớ em da diết màu tím hoa mua, chẳng phải chưa hề biết nhưng đến giờ tôi mới hiểu màu hoa”. Có lẽ đó cũng là sức mạnh, là niềm tin, làm cho anh cảm thấy lạc quan trên đường hành quân vất vả hay giữa khốc liệt của chiến trường. Cuốn nhật ký được anh ghi chép rất kĩ lưỡng những điều mắt thấy, tai nghe. Anh trải lòng mình qua những chân thật hồn nhiên, tinh tế. Những rung động trước những vùng đất anh qua, những con người anh gặp…

          Mùa xuân năm 1975 là ngày đất nước trọn niềm vui, nhưng anh và bao đồng đội đã không có mặt trong ngày chiến thắng của dân tộc. Anh đã ngã xuống trong một trận đánh ác liệt bên Thành cổ Quảng Trị khi mà tuổi đời chưa đầy 20 và 10 tháng tuổi quân với “biết bao dự định còn dang dở”

Trong hồn thiêng sông núi, tấm gương của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là minh chứng cho Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng, dân tộc Việt Nam anh hùng.
Hôm nay, khi đất nước đã hoà bình, độc lập, những tấm gương ấy, những  người con đất Việt ấy, dù đã ra đi mãi mãi nhưng vẫn luôn bất tử trong lòng mỗi người nhân dân Việt nam. Và hơn hết, mỗi chúng ta, xin được cúi đầu tưởng nhớ, kính dâng một nén hương lòng tưởng nhớ đến một cuộc đời đã dừng lại mãi mãi ở tuổi hai mươi vì Tổ quốc. Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao to lớn của thế hệ cha anh, những chiến sĩ đã anh dũng hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc, tuổi trẻ 20 trong thời bình cần biết sống hết mình vì chính nghĩa, hết  mình vì lý tưởng, vì sự nghiệp góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.

GIỚI THIỆU SÁCH

NHÂN KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

(20/11/1982 – 20/11/2022)

 

          Trong cuộc đời mỗi con người chúng ta, có lẽ ai cũng có một khoảng thanh xuân tươi đẹp trên ghế nhà trường, và trong khoảng thanh xuân đó luôn có hình bóng của những người thầy, người cô luôn tận tâm chèo lái con thuyền tri thức đến cho chúng ta. Cho dù ngày hôm nay, mỗi người trong chúng ta có thể đã thành đạt về một phương diện nào đó, có địa vị trong xã hội, song dù ở bất cứ nơi nào, ở vị trí nào? Thì trong sâu thẳm tâm hồn mỗi chúng ta hình ảnh của những người thầy người cô, đã từng dạy dỗ, đã từng dìu dắt ta trong mỗi chặng đường đã qua vẫn còn nguyên vẹn như mới hôm qua và luôn còn mãi đến cả ngày sau.

Đối với mỗi người, thời niên thiếu là một dấu ấn khó phai trong cuộc đời. Và trong những ngày chập chững bước đi đầu tiên ấy, người ta sẽ không thể nào quên những bàn tay đã dìu dắt họ đi trên con đường kiến thức của nhân loại. "Người thầy đầu tiên" của tác giả Aitmatov là một tác phẩm nằm trong dòng cảm xúc đó. “Người thầy đầu tiên” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của đại văn hào Aitmatov .Truyện được đặt vào bối cảnh vùng quê hẻo lánh của Kyrgyzstan vào giữa những năm 20 thế kỉ trước. Thời đó, trình độ phát triển ở đây còn thấp, tư tưởng phong kiến, gia trưởng còn nặng nề, phụ nữ bị coi thường, trẻ mồ côi bị rẻ rúng. Cô học trò nhỏ An-tư-nai, mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống giữa một ngôi làng trên thảo nguyên. Đuysen được Đoàn Thanh Niên Cộng Sản cử về làng để mở trường, đã kịp thời cứu giúp, cho em đến trường học. ."Người thầy đầu tiên" là một câu chuyện cảm động của những con người đã sống hết mình, đã yêu hết mình và cũng đã cống hiến hết mình. Sau này An-tư-nai trở thành nữ viện sĩ An-tư-nai Xulaimanôva, còn thầy Đuysen về già đi đưa thư… Khi An-tư-nai còn đang học ở trường làng, có hôm thầy Đuysen mang về trường hai cây phong non và bảo em: ''Hai cây phong này thầy mang về cho em đây. Chúng ta sẽ cùng trồng. Và trong khi chờ chúng lớn lên, ngày một thêm sức sống, em sẽ trưởng thành, em sẽ là một người tốt... Em bây giờ trẻ măng như một thân cây non, như đôi cây phong nhỏ này...''

Thư viện Trường trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cùng tất cả các em học sinh cuốn sách "Người thầy đầu tiên" của nhà văn Nga Aitmatov để mỗi người chúng ta lại có dịp hoài niệm về những gì đẹp đẽ, thiêng liêng nhất mà mình đã gặp trong cuộc đời.      

 

Nhân Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin gửi lời tri ân tới toàn thể Cán bộ - Giáo viên và nhân viên trường THPT Đa Phước, Kính chúc quý thầy cô luôn mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc và công tác tốt.

Chúc các bạn học sinh mạnh khỏe, học giỏi và chăm ngoan.

click vào đây để xem

click vào đây để xem

Tin tức từ Bộ Giáo Dục

Tin tức - Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo